Các giai đoạn của cuộc chiến Không_chiến_tại_Anh_Quốc

Các máy bay ném bom Heinkel He 111 của Đức trên Eo biển năm 1940

Cuộc chiến này thường được chia làm 4 giai đoạn:

Các trận chiến trên eo biển

Hai chiếc máy bay Defiant thuộc đội bay số 264 của RAF.

"Những trận chiến trên Eo biển" (Kanalkampf) bao gồm một chuỗi những cuộc tấn công liên tục vào các đoàn tàu vận chuyển tại biển Manche. Chiến dịch này được mở một phần là do Kesselring và Sperrle không chắc chắn được điều gì khác để làm, và cũng để cho các phi hành đoàn Đức có thể tập dượt ít nhiều, đồng thời tạo cơ hội thăm dò hệ thống phòng thủ của Anh.[111] Dowding chỉ có thể triển khai bảo vệ các tàu vận tải ở mức tối thiểu, và những trận chiến ngoài khơi này có khuynh hướng có lợi cho người Đức, vì họ có lực lượng hộ tống máy bay ném bom có ưu thế về độ cao và số lượng áp đảo lực lượng tiêm kích Anh. Từ ngày 9 tháng 7, những hoạt động trinh sát của các máy bay ném bom Dornier Do 17, cùng với nhu cầu phải có các đội tuần tra thường trực cho những đoàn tàu vận chuyển đã đặt các phi công và máy móc của RAF vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, làm tổn hao nhiên liệu, số giờ máy móc và làm kiệt sức các phi công, với nhiều tổn thất của RAF trước các máy bay Bf 109. Khi 9 chiếc Defiant thuộc đội bay 141 của RAF đi vào hoạt động vào ngày 19 tháng 7, 6 chiếc đã bị máy bay Bf 109 bắn hạ trước khi một đội bay Hurricane kịp đến can thiệp. Ngày 25 tháng 7, một đoàn tàu chở than cùng các khu trục hạm hộ tống đã bị thiệt hại nặng nề bởi đòn tấn công của những máy bay ném bom bổ nhào Stuka, không quân Anh bắn hạ được 16 máy bay địch nhưng cũng bị thiệt 7 chiếc. Bộ Hải quân Anh quyết định các đoàn tàu vận tải phải di chuyển vào ban đêm. Đến ngày 8 tháng 8, thêm 18 tàu chở than và 4 khu trục hạm bị đánh đắm, nhưng Bộ Hải quân vẫn quyết định sẽ huy động tiếp một đoàn vận tải 20 tàu thủy chứ không chuyên chở than bằng đường xe lửa. Sau những đòn tấn công liên tiếp của máy bay Stuka trong ngày hôm đó, có 6 tàu bị hư hại nghiêm trọng, 4 chiếc bị đánh đắm và chỉ có 4 chiếc khác tới được điểm đến. Không quân Hoàng gia Anh mất 19 tiêm kích và bắn hạ được 31 máy bay Đức. Đến lúc này, Bộ Hải quân Anh đã phải hủy bỏ mọi công tác chuyên chở qua eo biển và thay vào đó chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt. Tuy vậy, những cuộc giao chiến đầu tiên này đã đem lại cho cả bên nhiều kinh nghiệm thực tiễn.[173] Đồng thời chúng cũng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đầu tiên rằng một số loại máy bay, như Defiant và Bf 110, không có đủ khả năng để tham gia những cuộc cận chiến rất phổ biến trong chiến dịch này.

Các cuộc tấn công chủ yếu

Đòn tấn công chính vào hệ thống phòng thủ của RAF được đặt mật danh là Adlerangriff ("Đại bàng tấn công").

Thời tiết, yếu tố đã đóng một vai trò quan trọng chiến dịch này, đã làm Đức phải hoãn "Ngày Đại bàng" (Adlertag") cho đến ngày 13 tháng 8 năm 1940. Ngày 12 tháng 8, nỗ lực đầu tiên nhằm làm vô hiệu hóa hệ thống Dowding được tiến hành khi các máy bay thuộc phi đội chuyên dụng tiêm kích-ném bom gọi là Erprobungsgruppe 210 tấn công 4 trạm radar của Anh. 3 trạm trong số này phải ngừng hoạt động trong thời gian ngắn những đã làm việc trở lại trong vòng 6 tiếng đồng hồ.[174] Những cuộc đột kích này đã cho thấy rằng các radar của Anh khó mà bị xóa sổ. Thất bại của các cuộc tấn công tăng cường tiếp sau đó đã cho phép RAF phục hồi những khu trạm này, và Luftwaffe đã bỏ quên mất việc đánh vào các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, như đường dây liên lạc và trạm điện, điều có thể khiến cho các radar, dù rất khó bị phá hủy, vẫn sẽ trở nên vô dụng, kể cả khi chúng vẫn còn nguyên vẹn.[125]

Ngày Đại bàng mở đầu bằng một chuỗi những cuộc tấn công, do đội Erprobungsgruppe 210 dẫn đầu,[174] nhằm vào các sân bay gần bờ biển vốn dùng làm bãi đổ bộ đầu tiên cho các tiêm kích của RAF, cũng như các "sân bay vệ tinh"[gc 21] (trong đó có các sân bay ManstonHawkinge).[174] Sau một tuần, việc tấn công các sân bay chuyển dần vào sâu hơn trong nội địa, và các cuộc tấn công cứ lặp đi lặp lại nhằm vào các trạm radar. Ngày 15 tháng 8 đã trở thành "Ngày vĩ đại nhất" khi mà Luftwaffe tăng cường các phi vụ lên đến con số cao nhất trong toàn chiến dịch. Tập đoàn quân Không quân số 5 đã tấn công miền bắc xứ Anh. Tin rằng sức mạnh của Bộ tư lệnh Tiêm kích tập trung cả ở phía nam, lực lượng đột kích này, đến từ Đan MạchNa Uy, đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt ngoài dự kiến. Không được hộ tống đầy đủ bằng máy bay Bf 110, các máy bay ném bom này đã bị bắn hạ với số lượng lớn. Vùng Đông Bắc Anh đã bị 65 máy bay Heinkel 111 với 34 chiếc Messerschmitt 110 hộ tống tấn công, còn trạm RAF Great Driffield bị tấn công bởi 50 chiếc Junkers 88 không có hộ tống. Trong tổng số 115 máy bay ném bom và 35 máy bay tiêm kích được huy động, có 16 máy bay ném bom và 7 tiêm kích bị tiêu diệt[175]. Vì những thiệt hại này mà Tập đoàn quân Không quân số 5 đã không thể phục hồi lại được sức mạnh trong suốt cuộc chiến.

Ngày 18 tháng 8, ngày mà con số thương vong của cả hai bên lên đến mức cao nhất, đã được coi là "Ngày khó khăn nhất". Sau những trận đánh kịch liệt ngày 18 tháng 8, tình trạng kiệt quệ và điều kiện thời tiết đã làm giảm bớt giao tranh trong gần một tuần lễ, để cho Luftwaffe có điều kiện nhìn lại về hoạt động của mình. "Ngày khó khăn nhất" đặt dấu chấm hết cho loại máy bay Ju 87 trong chiến dịch này.[176] Loại cựu binh của chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng này quá dễ dàng bị tiêu diệt bởi các máy bay tiêm kích trên bầu trời nước Anh, và để bảo toàn lực lượng Stuka, Göring đã rút chúng ra khỏi cuộc chiến. Điều này đã lấy đi vũ khí ném bom chính xác chủ yếu của Luftwaffe và chuyển gánh nặng của công tác tấn công các mục tiêu chính xác sang cho đội Erprobungsgruppe 210 vốn đã chịu nhiều áp lực căng thẳng. Máy bay Bf 110 cũng đã cho thấy chúng quá vụng về trong việc cận chiến với máy bay tiêm kích một động cơ, và chúng chỉ còn tham chiến với tỷ lệ hạn chế. Chúng chỉ còn được sử dụng khi phạm vi yêu cầu hoặc khi không có đủ máy bay hộ tống một động cơ cho các máy bay ném bom.

Göring còn đưa ra thêm một quyết định tai hại: ra lệnh tăng cường máy bay hộ tống các cuộc ném bom và giảm bớt các phi vụ "săn tự do". Để đạt được điều này, gánh nặng của cuộc tấn công giờ đặt lên vai của đơn vị Tập đoàn quân Không quân số 2, và phần lớn máy bay Bf 109 thuộc đơn vị Tập đoàn quân Không quân số 3 được chuyển sang đặt dưới quyền chỉ huy của Kesselring, tăng cường cho các căn cứ tiêm kích tại Pas-de-Calais. Mất đi lực lượng tiêm kích, đơn vị Tập đoàn quân Không quân số 3 sẽ tập trung vào các chiến dịch ném bom ban đêm. Göring, thất vọng với biểu hiện của các máy bay tiêm kích trong chiến dịch, đã tiến hành một sự thay đổi lớn trong cơ cấu chỉ huy của các đơn vị tiêm kích, thay thế nhiều viên chỉ huy bằng những phi công trẻ tuổi và năng nổ hơn như Adolf GallandWerner Mölders.[177]

Cuối cùng, Göring đã cho ngừng việc tấn công các hệ thống radar. Điều này được xem như một thất bại, và cả vị Thống chế Đế chế lẫn cấp dưới của ông ta đều không nhận ra được tính sống còn của các trạm radar Chain Home đối với công tác phòng không của Anh. Dù biết các radar có thể đưa ra một số cảnh báo sớm về những cuộc tấn công, nhưng các phi công tiêm kích Đức vẫn tin rằng chúng chỉ là để khích lệ quân lính Anh chiến đấu.

Không quân Đức nhằm vào các sân bay của RAF

Diễn biến

Ngày 19 tháng 8 năm 1940. Göring ra lệnh tấn công các nhà máy sản xuất máy bay; đến ngày 23 tháng 8 ông ta lại quyết định nhằm vào các sân bay của RAF. Tối hôm ấy, một cuộc tấn công đã được tiến hành tại một nhà máy lốp xe ở Birmingham. Những cuộc đột kích vào các sân bay kéo dài suốt ngày 24 tháng 8, và Portsmouth là nơi bị đánh mạnh nhất. Đêm hôm đó, nhiều khu vực thuộc London bị oanh tạc; phần phía đông thành phố bốc cháy và bom rơi ngay tại trung tâm thủ đô. Một số sử gia tin rằng số bom này là do một nhóm các máy bay Heinkel He 111 thả nhầm sau khi không tìm thấy được mục tiêu của họ; giả thuyết này còn đang gây nhiều tranh cãi.[178] Để trả đũa, RAF đã oanh tạc Berlin trong đêm 25–26 tháng 8, và sau đó còn tiếp tục nhiều lần đột kích Berlin. Niềm kiêu hãnh của Göring bị tổn thương, do trước đó ông ta đã tuyên bố rằng người Anh sẽ không bao giờ có thể ném bom thành phố. Những cuộc tấn công này cũng làm Hitler nổi khùng, và ra lệnh phải tiến hành tấn công trả đũa tại London.[179]

Từ ngày 24 tháng 8 trở đi, trận chiến trở thành một cuộc đấu giữa Tập đoàn quân Không quân số 2 của Kesselring và Nhóm 11 của Park. Luftwaffe tập trung toàn bộ lực lượng nhằm đánh gục Bộ tư lệnh Tiêm kích và tiến hành tấn công liên tục vào các sân bay. Trong số 33 cuộc tấn công ác liệt trong 2 tuần lễ tiếp theo, thì có 24 cuộc là đánh các sân bay. Các trạm quân khu chủ chốt bị đánh liên tiếp: sân bay Biggin HillHornchurch mỗi trạm 4 lần; sân bay DebdenNorth Weald mỗi trạm 2 lần. Các sân bay Croydon, Gravesend, Rochford, HawkingeManston cũng bị tấn công nhiều lần. Trạm Eastchurch của Bộ tư lệnh Duyên hải bị oanh tạc ít nhất 6 lần do nó bị Đức cho là sân bay của Bộ tư lệnh Tiêm kích. Thỉnh thoảng những cuộc đột kích này cũng gây nhiều thiệt hại cho các trạm quân khu, và đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống Dowding.

Đề bù đắp lại phần nào thiệt hại, khoảng 58 phi công tình nguyện thuộc Binh chủng Không lực Hải quân đã được phái đến cho các đội bay của RAF, và một số lượng tương đương các cựu phi công máy bay ném bom một động cơ Fairey Battle đã được tuyển dụng lại. Hầu hết những người thay thế đến từ Đơn vị Huấn luyện Tác chiến (Operational Training Unit - OTU) chỉ có được thời gian bay khoảng 9 tiếng đồng hồ và không có kỹ thuật tác xạ hoặc không được đào tạo tác chiến không đối không. Vào thời điểm này, tính đa quốc gia của Bộ tư lệnh Tiêm kích giữ vai trò lãnh đạo. Nhiều đội bay và cá nhân thuộc lực lượng không quân của các thuộc địa Anh đã được sáp nhập vào RAF, trong đó có cả các cấp chỉ huy cao cấp — người Úc, Canada, New Zealand, RhodesiaNam Phi. Ngoài ra, còn có đại diện những quốc tịch khác, như lực lượng nước Pháp tự do, Bỉ và 1 phi công Do Thái đến từ Palestine.

Các phi công Ba Lan thuộc đội bay 303 năm 1940.

Họ còn được hỗ trợ bởi những đội bay mới thành lập của SécBa Lan. Điều này đã bị Dowding ngăn cản, vì ông ta cho rằng những phi hành đoàn không nói tiếng Anh sẽ gây ra những rắc rối khi làm việc trong hệ thống kiểm soát của ông.

Tuy nhiên, các phi công Ba Lan và Séc đã tỏ ra đặc biệt hữu dụng. Không quân Ba Lan trước chiến tranh đã có quá trình huấn luyện tổng quát và lâu dài với chất lượng cao, đã có kinh nghiệm thực chiến trong cuộc kháng chiến của Ba Lan; và khi Ba Lan bị xâm chiếm và nằm dưới sự chiếm đóng khắc nghiệt của Đức, thì tinh thần của họ được thúc đẩy mạnh mẽ. Đội bay Tiêm kích Ba Lan số 303 chính là đơn vị có thành tích cao nhất trong lực lượng đồng minh của Anh.[180] Josef František, một phi công chuyên nghiệp của Séc đã bay từ đất nước bị chiếm đóng của mình đến tham gia cuộc kháng chiến của Ba Lan năm 1939 và sau đó gia nhập không quân Pháp trước khi đến Anh, đã chiến đấu trong đội bay 303 và cuối cùng được ghi nhận là người có thành tích cao nhất của RAF trong Trận chiến nước Anh.[181]

RAF có lợi thế là được chiến đấu trên lãnh thổ của mình. Các phi công bị rơi máy bay có thể trở lại các sân bay của họ chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Với các phi công của Luftwaffe, rơi xuống đất Anh có nghĩa là bị bắt, còn nhảy dù trên biển Manche thì thường bị chết đuối hoặc tử vong do phơi nắng lâu. Tinh thần bắt đầu suy sụp, và Kanalkrankheit ("Eo biển bệnh tật") — một dấu hiệu mệt mỏi trong chiến đấu — đã xuất hiện trong hàng ngũ các phi công Đức. Vấn đề nhân lực thay thế của họ còn tồi tệ hơn cả phía người Anh.

Hiệu quả của đợt tấn công

Hiệu quả của những cuộc tấn công vào các sân bay không rõ ràng. Nghiên cứu của Stephen Bungay chỉ ra rằng Dowding, trong một bức thư gửi cho Hugh Trenchard[182] có kèm theo bản báo cáo của Park về giai đoạn từ ngày 8 tháng 8 đến 10 tháng 9 năm 1940, đã nói rằng Luftwaffe "đạt được rất ít" trong tuần cuối cùng của tháng 8 và tuần đầu tháng 9.[183] Trạm Quân khu duy nhất phải ngừng hoạt động là trạm Biggin Hill, và chỉ ngừng trong vòng 2 giờ đồng hồ. Dowding thừa nhận hiệu quả chiến đấu của Nhóm 11 là kém, nhưng dù có một số sân bay bị tổn thương nghiêm trọng, chỉ có 2 trong tổng số 13 sân bay bị tấn công ác liệt là bị đánh gục trong hơn vài tiếng đồng hồ. Việc quân Đức tập trung vào London là chưa có gì nguy cấp.[183]

Phó Nguyên soái Không quân đã nghỉ hưu là Peter Dye, người đứng đầu Bảo tàng Không quân Hoàng gia Anh, đã thảo luận về công tác hậu cần của cuộc chiến này vào năm 2000[184] và 2010[185], đặc biệt là đối với các máy bay tiêm kích một chỗ ngồi. Dye cho rằng không chỉ có ngành sản xuất máy bay của Anh thay thế được số lượng máy bay bị mất, mà cả những phi công thay thế cũng theo kịp được những thiệt hại. Số lượng các phi công thuộc Bộ tư lệnh Tiêm kích RAF đã tăng lên trong các tháng 7, 8 và 9. Thống kê cho thấy số phi công phục vụ chưa bao giờ giảm. Từ tháng 7, đã có 1.200 người, sang tháng 8 là 1.400. Con số này còn lên cao trong tháng 9. Đến tháng 10 là gần 1.600, tháng 11 lên đến 1.800. Trong suốt cuộc chiến, RAF luôn có nhiều phi công phục vụ hơn so với Luftwaffe.[184][185]Mặc dù nguồn dự trữ của RAF về các máy bay tiêm kích một chỗ ngồi có giảm trong tháng 7, nhưng những thiệt hại đã được bù đắp nhờ hoạt động có hiệu quả của Tổ chức Sửa chữa Dân sự (Civilian Repair Organisation - CRO) - đến tháng 12 đã tu sửa và đưa vào tái hoạt động khoảng 4.955 máy bay,[186] và nhờ vào những máy bay tại các sân bay của Đơn vị Bảo quản Hàng không (Air Servicing Unit - ASU).[187]

Richard Overy đã đồng ý với Dye và Bungay. Overy khẳng định rằng chỉ có một sân bay phải tạm thời ngừng hoạt động và "chỉ có" 103 phi công bị mất. Ngành sản xuất máy bay tiêm kích đã làm ra 496 máy bay mới trong tháng 7 và 467 chiếc trong tháng 8, thêm 467 chiếc vào tháng 9 (không tính các máy bay được sửa chữa), đảm bảo bù đắp các thiệt hại vào tháng 8 và tháng 9. Overy đã đưa ra con số cho thấy sự tăng trưởng của lực lượng tiêm kích từ ngày 3 tháng 8 đến 7 tháng 9: từ tổng số 1.061 chiếc với 708 chiếc phục vụ lên tổng số 1.161 chiếc với 746 chiếc phục vụ.[188] Ngoài ra, Overy còn chỉ ra rằng số phi công tiêm kích của RAF tăng 1/3 từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1940. Các hồ sơ nhân sự cho thấy có khoảng 1.400 phi công được cung cấp liên tục trong những tuần lễ quyết định của cuộc chiến. Vào nửa sau tháng chín con số này đạt đến 1.500 người. Sự thiếu hụt phi công chua bao giờ vượt quá tỷ lệ 10%. Người Đức không bao giờ có nhiều hơn khoảng 1.100 đến 1.200 phi công, thiếu hụt lên đến 1/3. "Nếu Bộ tư lệnh Tiêm kích là "ít" [The Few], thì các phi công tiêm kích của Đức còn ít hơn".[189]

Mặc dù vậy, nhiều nhà sử học vẫn cho rằng giai đoạn này là một thời kỳ nguy cấp thực sự. Trong cuốn sách The Narrow Margin xuất bản năm 1961, Derek Wood và Derek Dempster đã viết về khoảng thời gian từ 24 tháng 8 đến 6 tháng 9:

Tình hình khốc liệt đến cùng cực khi mà từ ngày 24 tháng 8 đến 6 tháng 9, 295 tiêm kích bị tiêu diệt hoàn toàn và 171 chiếc bị thương nghiêm trọng, đổi lại tổng cộng có 269 máy bay Spitfire và Hurricane được làm mới và sửa chữa. Tệ hơn cả, trong vòng nửa tháng, 103 phi công bị chết hoặc mất tích và 128 bị thương, nghĩa là mất tổng cộng 120 phi công mỗi tuần trong lực lượng chiến đấu chỉ dưới 1.000 người. Những phi công có kinh nghiệm hiếm như vàng cát, và cứ mỗi người bị mất là phải thay thế bằng một người chưa qua huấn luyện mà sẽ rất dễ bị tổn thương trong một thời gian, cho đến khi anh ta hiểu được cách chiến đấu. Trong suốt tháng 8 có không quá 260 phi công tiêm kích hoàn thành khóa OTU và thương vong trong tháng đó là hơn 300 người. Cơ cấu một đội bay đầy đủ gồm 26 phi công trong khi thực trạng trung bình trong tháng 8 là 16. Bộ tư lệnh đang bị tàn phá theo nghĩa đen dưới con mắt của Dowding và ông ta không thể làm gì với nó nếu như miền nam nước Anh vẫn phải tiếp tục là khu vực cần bảo vệ.
— [190]

Đến lúc này, Hitler bắt đầu mất kiên nhẫn đối với Luftwaffe. Ngày 14 tháng 9, Tham mưu trưởng Luftwaffe, Tướng Hans Jeschonnek đã thuyết phục ông ta cho họ cơ hội cuối cùng để đánh bại RAF và xin phép tấn công những khu vực dân cư nhằm gây tình trạng tâm lý hoảng loạn. Hitler đã từ chối đề xuất này mà có lẽ ông ta không được biết chính xác về mức độ thiệt hại đã gây ra đối với các mục tiêu dân sự, và Hitler muốn dành riêng cho mình quyền huy động đến vũ khí khủng bố. Nền chính trị sẽ phải bị bẻ gãy bằng sự sụp đổ của hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, ngành công nghiệp vũ khí, cùng với sự hủy diệt các kho dự trữ nhiên liệu và thực phẩm. Ngày 16 tháng 9, Göring hạ lệnh cho các tập đoàn quân không quân bắt đầu giai đoạn mới của cuộc chiến".[191]

Đánh phá các thành phố của Anh

Chỉ thị số 17 của Hitler, ban hành ngày 1 tháng 8 năm 1940 chỉ đạo về cuộc chiến tranh với Anh quốc đã đặc biệt ngăn cấm không cho Luftwaffe tự ý tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, và dành quyền ra mệnh lệnh tiến hành tấn công khủng bố làm phương tiện trả thù cho riêng cá nhân Quốc trưởng:[192]

Cuộc chiến chống lại nước Anh phải bị hạn chế trong các cuộc tấn công phá hoại đối với nền công nghiệp và các mục tiêu không quân có lực lượng phòng thủ yếu.... Những nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về các mục tiêu có liên quan, đó là những điểm chủ chốt của mục tiêu, là một điều kiện tiên quyết cho thắng lợi. Cũng phải nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực cần phải được thực hiện để tránh những thiệt hại nhân mạng không cần thiết trong dân thường.
— [193]

Trong những cuộc tấn công của Luftwaffe nhằm vào nước Anh có rất nhiều cuộc đột kích vào các bến cảng trọng yếu kể từ tháng 8, nhưng Hitler đã ra một chỉ thị nói rằng không được ném bom London để bảo lưu chỉ thị nhất quán của ông ta.[194] Tuy nhiên, đến chiều ngày 15 tháng 8, phi đội trưởng Walter Rubensdörffer đã chỉ huy đơn vị Erprobungsgruppe 210 thả bom nhầm xuống sân bay Croydon ở ngoại ô London thay vì mục tiêu đã dự định là trạm RAF Kenley;[195] tiếp sau đó là vào đêm 23/24 tháng 8,[162] đến lượt thị trấn Harrow, cũng ở ngoại ô London, bị ném bom nhầm, rồi đến các cuộc đột kích tại Aberdeen, Bristol, và Nam Wales. Việc tập trung tấn công vào các sân bay còn có kèm theo một chiến dịch oanh tạc kéo dài bắt đầu ngày 24 tháng 8, với cuộc đột kích quy mô lớn nhất cho đến thời điểm đó, giết chết 100 người tại Portsmouth, và tối hôm đó là cuộc oanh tạc ban đêm đầu tiên tại London nói trên.[178] Ngày 25 tháng 8 năm 1940, 81 máy bay ném bom thuộc Bộ tư lệnh Ném bom đã được phái đi tấn công các mục tiêu công nghiệp và thương mại tại Berlin. Mây mù đã ngăn cản việc định vị chính xác và bom đã rơi xuống thành phố, gây ra một số thiệt hại về nhân mạng cho thường dân và làm hư hại các khu dân cư.[196] Các cuộc đột kích trả đũa tiếp theo của RAF tại Berlin đã dẫn đến việc Hitler thu hồi lại chỉ thị của mình,[197] và vào ngày 3 tháng 9 Göring đã lên kế hoạch hàng ngày ném bom London, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Kesselring, đã nhận được báo cáo rằng sức mạnh trung bình của các đội bay RAF đã giảm xuống còn 5 đến 7 trong số 12 tiêm kích và các sân bay trong khu vực đã ngừng hoạt động. Ngày 5 tháng 9, Hitler ban hành một chỉ thị mới ra lệnh tấn công các thành phố kể cả London.[198][199] Trong một bài phát biểu ngày 4 tháng 9 năm 1940, Hitler đe dọa sẽ "xóa sổ" (ausradieren) các thành phố của Anh nếu như Anh tiếp tục oanh tạc vào nước Đức.

Ngày 7 tháng 9, một loạt các cuộc tấn công lớn mang mật danh chiến dịch Loge với gần 400 máy bay ném bom và hơn 600 máy bay tiêm kích bắt đầu, nhằm vào các bến tàu tại phía đông London, cả ngày lẫn đêm. RAF đã phỏng đoán các cuộc tấn công này đánh vào các sân bay và Nhóm 11 đã tiến lên chặn đánh, với số lượng lớn hơn dự tính của Luftwaffe. Đại Phi đội của Nhóm 12 được chính thức triển khai lần đầu tiên đã mất 20 phút để sắp xếp đội hình, và để vuột mất mục tiêu dự định, nhưng lại đụng độ với một đội hình máy bay ném bom khác trong khi còn đang lấy độ cao. Họ trở lại, biện hộ cho thành công hạn chế của mình, và đổ lỗi cho sự chậm trễ là do nhận được lệnh quá muộn.[179][200] Lúc này Bộ tư lệnh Tiêm kích đang trong giai đoạn suy yếu nhất, thiếu nhân lực và máy móc, và thời gian tạm ngưng tấn công vào các sân bay đã cho họ cơ hội để phục hồi lại. Nhóm 11 có được thành công đáng kể trong việc ngăn chặn các cuộc đột kích ban ngày. Nhóm 12 tiếp tục bất tuân thượng lệnh và không đáp ứng những yêu cầu bảo vệ các sân bay của Nhóm 11, nhưng việc thử nghiệm của họ với số lượng ngày một lớn các Đại Phi đội cũng đã có một số thành công. Luftwaffe bắt đầu tránh việc không kích ban ngày, và các cuộc tấn công London mở màn vào chiều muộn trong 57 đêm liên tiếp.[201]

Lính cứu hỏa Anh trong cuộc chiến.

Vấn đề gây thiệt hại lớn nhất đối với Luftwaffe trong việc chuyển mục tiêu sang London là việc kéo dài cự ly bay. Các máy bay hộ tống Bf 109 có dung lượng nhiên liệu hạn chế, và khi đến được mục tiêu họ chỉ còn lại 10 phút bay trước khi buộc phải trở về căn cứ. Điều này làm cho nhiều cuộc không kích không có sự bảo vệ của lực lượng tiêm kích hộ tống.

Ngày 14 tháng 9 Hitler đã chủ trì một cuộc họp với bộ tham mưu OKW. Göring vắng mặt vì đang ở Pháp, do ông ta quyết định ở đó để chỉ đạo phần quyết định của cuộc chiến, và để Erhard Milch thay mặt mình.[202] Trong cuộc họp Hitler đưa ra câu hỏi, "Chúng ta có phải hoãn nó lại hoàn toàn không?". Hitler đã chấp nhận rằng một cuộc xâm chiếm với sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân không còn là khả thi nữa. Thay vào đó ông ta chọn cách cố gắng để đè bẹp tinh thần người Anh, trong khi vẫn duy trì mối đe dọa về một cuộc xâm lăng. Hitler kết luận rằng điều này có thể dẫn đến kết quả là "tám triệu người sẽ hóa điên" (ám chỉ dân số của London năm 1940), và sẽ "gây ra một thảm họa" cho người Anh. Trong hoàn cảnh đó, Hitler nói, "ngay cả một cuộc tấn công nhỏ cũng có thể đi một chặng đường dài". Tại thời điểm này Hitler chống lại việc hủy bỏ cuộc xâm chiếm như "sự hủy bỏ sẽ đến tai đối phương và làm tăng thêm ý chí của chúng".[203][gc 22][gc 23]

Ngày 15 tháng 9, có 2 đợt tấn công lớn của Đức bị RAF chặn đứng, và toàn bộ số máy bay của Nhóm 11 đã được sử dụng trong ngày hôm đó. Tổng thiệt hại trong ngày ác liệt này là 60 máy bay Đức và 26 máy bay Anh bị bắn hạ. Thất bại đã khiến cho Hitler phải ra lệnh hoãn việc chuẩn bị cuộc xâm chiếm nước Anh 2 ngày sau đó. Từ đó trở đi, trước những tổn thất ngày một cao về người và máy bay, cùng với tình trạng thiếu nguồn bổ sung thích hợp, Luftwaffe đã phải chuyển từ ném bom ban ngày sang ném bom ban đêm. Các trận không chiến ngày 15 tháng 9 đã trở nên nổi tiếng với cái tên Ngày Trận chiến nước Anh.

Ngày 27 tháng 9 một chiếc Junkers Ju 88 đang trên đường quay về sau cuộc đột kích London đã bị bắn rơi tại Kent, đây là trận Graveney Marsh, giao tranh cuối cùng giữa Anh và lực lượng quân sự nước ngoài trên đất Anh.[205]

Ngày 13 tháng 10, Hitler lại một lần nữa dời cuộc xâm lăng "sang xuân năm 1941"; nhưng rồi nó đã không bao giờ diễn ra, và tháng 10 được xem là mốc đánh dấu kết thúc các cuộc oanh tạc thường xuyên trên đất Anh,[162] không phải chờ đến khi có Chỉ thị số 21 của Hitler ngày 18 tháng 12 năm 1940, trong đó quyết định rằng mối đe dọa về cuộc xâm lăng cuối cùng đã tiêu tan.[162]

Trong cả cuộc chiến cũng như suốt thời gian còn lại của chiến tranh, có một yếu tố quan trọng đã giúp giữ vững tinh thần công chúng là sự hiện diện của Quốc vương George VI cùng vợ là Hoàng hậu Elizabeth tại London. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, Quốc vương và Hoàng hậu đã quyết định ở lại thủ đô chứ không chạy trốn đến Canada như mọi người đề nghị.[gc 24] George VI và Elizabeth chính thức ngự tại Cung điện Buckingham trong suốt chiến tranh, dù họ vẫn thường đến lâu đài Windsor vào những dịp cuối tuần để thăm các con gái Elizabeth (sau này là Nữ hoàng Elizabeth II của Anh) và Margaret.[206] Điện Buckingham đã bị bom làm hư hại trong ngày 10 tháng 9, và vào ngày 13 tháng 9, có thêm những thiệt hại nghiêm trọng hơn khi có 2 quả bom phá hủy mất Nhà thờ Hoàng gia. Lúc đó Quốc vương và Hoàng hậu đang ngồi trong một phòng khách nhỏ cách nơi bom nổ khoảng 80 thước Anh[207][208] (khoảng hơn 73 mét). Ngày 24 tháng 9, được sự công nhận về lòng dũng cảm của dân chúng, Vua George VI đã được trao thưởng Chữ Thập George.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Không_chiến_tại_Anh_Quốc http://www.airforce.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.rcaf-arc.forces.gc.ca/v2/hst/page-eng.a... http://www.nfb.ca/playlist/its-oscar-time/viewing/... http://battleofbritainblog.com http://www.celebratebritain.com/ http://airlandseaweapons.devhub.com/blog/61173-fai... http://www.economist.com/blogs/easternapproaches/2... http://www.firstworldwar.com/bio/ashmore.htm http://www.life.com/image/first/in-gallery/24892/w... http://spitfiresite.com/2010/04/battle-of-britain-...